Tuy nhiên, không phải cửa hàng giặt là nào mở ra cũng đắt khách như vậy. Cách đó không xa là cửa hàng của bà Kim Loan nằm trên đường Thích Quảng Đức. Bà cho biết do càng ngày càng có nhiều cửa hàng mở ra nên giá cả rất cạnh tranh. Gần đây, giá nước xả tăng mạnh nên bà không dám tăng giá giặt sấy vì chỉ cần lên 5.000 đồng là khách bỏ dịch vụ. |
Cũng đầu tư trên 100 triệu đồng tiền máy móc, tuy nhiên, để gánh khoảng tiền 12 triệu đồng thuê mặt bằng mỗi tháng, bà phải cho thuê lại một phần mặt tiền cửa hàng cho dịch vụ ăn uống. Tính ra mỗi tháng, nếu tình hình kinh doanh thuận lợi, bà chỉ có lợi nhuận 5-7 triệu đồng và “thứ bảy, chủ nhật không có thời gian nghỉ vì hàng đổ về nhiều”. |
Cùng tình trạng như trên, ông Võ Văn Trung đã kinh doanh loại hình này gần 10 năm. Cửa hàng của ông duy trì được đến nay vì có lượng khách quen ổn định vì có thêm dịch vụ hấp áo vest, đầm dạ hội chuyên biệt. |
Mỗi bộ vest, đầm sau khi được tẩy sạch qua nhiều công đoạn và hấp thơm có giá từ 80.000 đồng. “Riêng một máy hấp đã có giá gần 100 triệu đồng và cũng nhờ có dịch vụ này mà cửa hàng của tôi mới có thể cạnh tranh với các cửa hàng giặt sấy mới ra sau này”, ông Trung cho biết. |
Tại nước phát triển, các cửa hàng giặt sấy thường được để cho khách hàng tự phục vụ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn chủ tiệm đều không để khách tự phục vụ. Vì thế, nghề trông coi các cửa hàng giặt sấy tự động được hình thành, phục vụ những cá nhân, hộ gia đình ở trọ tại các thành phố lớn. |